Sáng 3-3 (ngày 16-1 âm lịch), Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng chính thức diễn ra tại miếu Thuyền, đường Nguyễn Tất Thành (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê). Đây là một trong những lễ hội độc đáo tại Đà Nẵng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến 16-1 âm lịch, bao gồm các nghi lễ truyền thống và phần hội mang đậm nét văn hóa của cư dân vùng biển.

Lễ hội Cầu Ngư thể hiện mong ước của ngư dân về một mùa đánh bắt thắng lợi

Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng được tổ chức gồm hai phần: phần lễ bao gồm Lễ Nghinh Ông, lễ cầu an, cầu ngư trên biển tưởng nhớ các bậc tiền nhân quá cố và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu một mùa đánh bắt hải sản thắng lợi. Phần hội với các trò chơi, phần thi văn hóa văn nghệ và thể thao thể hiện sự đoàn kết giữa các ngư dân khi lênh đênh trên biển cả.

Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng không chỉ là tín ngưỡng của ngư dân vùng biển mà còn là một hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt. Đây là dịp để bà con động viên nhau bám biển, giúp người dân địa phương xây dựng nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống thông qua các trò chơi dân gian, tạo khí thế cho một mùa ra khơi đánh bắt hải sản.

Biểu trưng của những chiếc ghe, thuyền của ngư dân gặp nạn do thiên tai thời tiết

Tại khu vực lễ đài chính được trang trí long trọng, bao gồm các chiếc ghe, thuyền bằng gỗ – biểu trưng của những chiếc ghe, thuyền gặp nạn trong cơn bão năm Quý Tỵ 1893 và tượng Ông chài được ngư dân làng Thanh Khê đang hành nghề đánh cá trên biển vớt được vào năm Canh Ngọ 1990.

Theo ghi chép của làng chài, vào ngày 23 và 24-3 âm lịch năm Quý Tỵ (1893), ngư dân làng chài Thanh Khê và Hà Khê hành nghề chuồn khơi đã gặp bão lớn và hơn 1.500 ngư dân chết và mất tích trên biển khơi. Sau mất mát đau thương này, người dân đã lập nhà thờ Tập Linh để quy tập thờ những ngư dân gặp nạn. Đến năm Tân Mùi 1991, nhà thờ Tập Linh được trùng tu và người dân làm những ghe, thuyền này để thờ và lưu lại cho đời sau.

Bên cạnh các hoạt động lễ hội còn có nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu về nghề ngư nghiệp của ngư dân, “Đà Nẵng – di sản văn hóa biển đảo”, các gian hàng sản phẩm chế biến từ hải sản của bà con ngư dân … Đồng thời, trưng bày tranh ảnh giới thiệu “Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam thời Nguyễn” với những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Trưng bày giới thiệu các đặc sản ẩm thực của vùng biển
Triển lãm tư liệu Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam

Nguồn: danang.gov.vn