Ngày 11/4, Tổng đạo diễn Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2017 Lê Quý Dương tiết lộ những thông tin ban đầu về lễ khai mạc sẽ diễn ra vào tối 30/4 và 4 đêm còn lại tại sân khấu dọc sông Hàn.

Ban tổ chức cho biết DIFF 2017 là một chương trình khổng lồ, với sân khấu nổi Ngũ hành được thiết kế với các dàn nâng và hệ thống sân khấu quay bằng những kỹ thuật hiện đại nhất.

Năm nay, Tập đoàn Sun Group là đơn vị đứng ra tổ chức cùng tổng đạo diễn Lê Quý Dương tạo dựng nên một không gian tổng thể với sân khấu cả trên không và trên mặt nước cũng như dọc bờ sông Hàn. Sân khấu trên không sẽ được tạo điểm nhấn bởi 5 khinh khí cầu đến từ Hàn Quốc – tượng trưng cho Ngũ hành.

“Chúng tôi cũng dự kiến sử dụng 2 paramotor bay trên bầu trời hoặc dùng chính các khinh khí cầu này để thả confetti (pháo hoa giấy) sẽ tạo nên một bầu trời lấp lánh. Còn trên mặt nước sẽ là một sân khấu mở 5 cạnh, tương ứng với Ngũ hành.

Phông nền của sân khấu được tạo nên bởi 5 khối décor lớn, sắp xếp theo hình dáng dãy Ngũ Hành Sơn và hoàn toàn cơ động để có thể nổi lên làm nền cho hệ thống video mapping hoặc thu gọn lại tạo một bề mặt sân khấu phẳng khi các đội pháo hoa trình diễn.

san-khau-le-hoi-phao-hoa-quoc-te-da-nang-diff-2017

Mỗi đêm pháo hoa, hàng trăm nghệ sĩ sẽ xuất hiện ấn tượng như thể đi từ dưới lòng sông lên và trình diễn trên mặt nước sông Hàn cùng hệ thống âm thanh, ánh sáng và màn hình 3D mapping ấn tượng phía sau”, đạo diễn Lê Quý Dương tiết lộ.

Dọc bờ sông Hàn sẽ có 20 mô hình nổi trên mặt sông và chạy dọc bờ sông, suốt chiều dài hơn 200 m của khán đài 22.000 chỗ. Hai mươi mô hình nổi này tượng trưng cho 20 năm TP Đà Nẵng chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đặc biệt, các mô hình có thể mở ra 5 cánh như hình ngôi sao, để lộ những biểu tượng hình ảnh tương ứng với chủ đề Hỏa – Thổ – Kim – Thủy- Mộc. Chẳng hạn đêm Hỏa, 20 mô hình này sẽ trở thành 20 đài đuốc thắp dọc sông, đêm Thổ sẽ mở ra những mô hình tháp Chăm, Kim sẽ mở ra những cây cầu biểu tượng của Đà Nẵng, Thủy sẽ ứng với những đài phun nước, còn Mộc sẽ mở ra những bông sen…

Ngoài ra, “Vua của mô hình mĩ thuật sân khấu Việt Nam” – họa sỹ Văn Tòng cũng trực tiếp tham gia dựng sân khấu Ngũ hành. Chia sẻ về việc này, đạo diễn Lê Quý Dương cho hay: “Toàn bộ ý tưởng sân khấu Ngũ hành là do tôi và anh Trịnh Hải Nam thiết kế, dựng bản vẽ 3D. Để hiện thực hóa ý tưởng này ở Việt Nam, chỉ có duy nhất nghệ sỹ Văn Tòng có thể tạo nên sự ấn tượng cho các decor trang trí”.

Chưa kể, nhiều tên tuổi lớn sẽ đồng hành cùng DIFF 2017, như đêm khai mạc, nhóm M4U sẽ trình diễn một tác phẩm đặc sắc của nhạc sỹ Phó Đức Phương – bài “Ngũ Hành Sơn”, ca sỹ Ái Phương sẽ biểu diễn bài “Hello Vietnam”. Cũng trong đêm Hỏa, nghệ sỹ ưu tú Cao Minh sẽ biểu diễn tiết mục rất hoành tráng, ca khúc “Việt Nam trên đường chúng ta đi”.

Đêm Thổ sẽ chào đón sự xuất hiện của những tiết mục rất độc đáo và mới mẻ như “Đà Nẵng nàng tiên” do ca sĩ Kasim Hoàng Vũ thể hiện. Chương trình Kim, diễn ra vào 27/5, sẽ chứng kiến sự bùng nổ của ca sỹ Đông Nhi, với một tiết mục mang âm hưởng hiện đại, sôi động, tạo không khí mạnh mẽ, sắc cạnh.

Đêm Thủy, khán giả sẽ được thưởng thức một ca khúc rất mới của nhạc sỹ Lê Minh Sơn qua phần trình diễn của ca sỹ Thanh Lam. Ca khúc “Dòng sông ko bao giờ lạnh” được nhạc sỹ Lê Minh Sơn sáng tác riêng cho DIFF 2017.

Riêng đêm chung kết Mộc, ngoài phần trình diễn ghi đậm phong cách của ca sỹ Mỹ Linh còn đặc biệt có sự xuất hiện của một nghệ sĩ violin Hàn Quốc thể hiện nhạc ca khúc “Hello Vietnam”.

Bên cạnh sự xuất hiện của những cái tên trẻ sẽ là những nghệ sỹ gạo cội như Nghệ sỹ nhân dân Bạch Hạc cùng với những đoàn nghệ thuật dân tộc như đoàn Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế với đại cảnh múa “Rực sáng hoa đăng trên sông Hàn” trong đêm khai mạc hay đoàn nghệ thuật Phương Nam với các tiết mục xiếc và các tiết mục giải trí vui nhộn hấp dẫn.

Trung tâm văn hóa Hội An sẽ tặng khán giả một đại cảnh “Hội bài chòi – Hát mở ngõ” mở màn đêm Thổ thật hoành tráng với sự tham gia của hàng trăm nghệ sỹ cùng 100 chiếc đèn lồng. Đêm Kim sẽ ghi dấu ấn với đại cảnh Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên qua màn trình diễn của đoàn nghệ thuật truyền thống Đăk Lăk.

Nguồn: phapluatplus.vn